Lâu nay,ủmônKimThanhtiếtlộvềtuổithơcơcựctheobóngđávìnhàrấtnghèbảng đặc biệt tuần Trần Thị Kim Thanh luôn là sự lựa chọn số 1 trong khung thành của đội tuyển nữ Việt Nam. Đặc biệt là sau kỳ World Cup nữ 2023 ở Úc và New Zealand, tên tuổi của Kim Thanh càng đến gần hơn với người hâm mộ bóng đá. Đội bóng của HLV Mai Đức Chung dù không thể ghi được bàn thắng hay giành điểm số nào tại sân chơi bóng đá nữ lớn nhất hành tinh, nhưng Kim Thanh vẫn để lại dấu ấn lớn. Tình huống thủ môn đội tuyển nữ Việt Nam cản phá thành công cú sút phạt đền của tiền đạo xuất sắc nhất thế giới Alex Morgan đã làm nức lòng khán giả trong nước, cũng như tạo ấn tượng với giới mộ điệu quốc tế. Đáng chú ý, Kim Thanh còn góp mặt trong tốp 10 thủ môn có nhiều pha cứu thua nhất tại World Cup nữ 2023.
Tuổi thơ nhổ đậu, gặt lúa... cùng mẹ
Hành trình đến với bóng đá của Kim Thanh không hề bằng phẳng. Trên fanpage của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, thủ thành quê Long An chia sẻ lý do theo nghiệp cầu thủ: "Tôi lựa chọn theo bóng đá là vì muốn cho ba mẹ đỡ một phần gánh nặng. Gia đình tôi có 3 chị em, rất nghèo nên cha mẹ không đủ sức lo cho con cái đi học. Do đó, tôi chọn đi đá bóng, để lên đó người ta lo cho mình ăn học và tập luyện. Tôi chính thức theo bóng đá từ năm 14 tuổi".
Tâm sự của thủ môn Kim Thanh sau hành trình World Cup nữ 2023 đáng nhớ
"Người gác đền" sinh năm 1993 nhắc về tuổi thơ đầy vất vả của mình: "Lúc còn nhỏ, tôi hay ra đồng phụ mẹ nhổ đậu, gặt lúa,… nói chung là những công việc của người làm nông hoặc đi làm thuê. Từ 4 giờ sáng, tôi đã dậy để theo mẹ ra đồng làm, kiếm thêm thu nhập, phụ cho cha mẹ đỡ vất vả. Tôi đi nhổ đậu, một thùng được 2.500 đồng. Một ngày tôi nhổ được 10 thùng như thế, kiếm 25.000 đồng".
Theo thủ môn Kim Thanh, cô đến với bóng đá không phải vì niềm đam mê ban đầu, nhưng dường như nghề đã chọn người. "Hồi nhỏ, nếu đi học buổi sáng thì buổi chiều đi làm, hoặc ngược lại. Khi về sớm, trước sân có đám ruộng, thấy các anh trong xóm hay chơi đá bóng nên tôi đứng xem hoặc có khi tham gia cho vui vậy thôi, chứ không biết đá hay chụp thủ môn gì hết. Lúc đó, đội TP.HCM đang thiếu thủ môn, nên các HLV ở đó nhờ thầy thể dục của tôi tìm giùm, chỉ cần người có chiều cao và bàn tay to một tí để về đào tạo. Do đó, ngay từ đầu, tôi đã được đào tạo làm thủ môn và theo cho đến bây giờ luôn chứ chưa chơi vị trí nào khác", Kim Thanh cho biết.
Dù không có năng khiếu, nhưng Kim Thanh luôn quyết tâm, theo đuổi nghề nghiệp một cách nghiêm túc và không ngừng rèn luyện, trau dồi chuyên môn. "Kể từ khi theo bóng đá, tôi được người ta đào tạo chuyên môn, lo ăn học, sinh hoạt và được trả lương. Lúc đó, tôi nghĩ là mình phải luôn cố gắng, để một ngày nào đó được lên đội tuyển, để từ đó giúp cho cha mẹ ở nhà đỡ vất vả. Dù không có năng khiếu gì nhưng tôi được các đàn chị ở CLB chỉ bảo rất nhiều. Khi tập cùng đội, tôi bị thủng lưới nhiều bàn, nhưng HLV vẫn giữ lại đào tạo từ từ. Tôi nhớ, các cô từng nói rằng ai không biết gì thì dễ đào tạo, nhưng đã biết đá bóng thì đào tạo bắt gôn rất khó", thủ môn đội tuyển nữ Việt Nam nhớ lại.
Từng lóe lên suy nghĩ sẽ bỏ bóng đá
Thách thức lớn nhất đối với các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chính là chấn thương, và Kim Thanh cũng không phải ngoại lệ. Thủ môn 30 tuổi từng cảm thấy nản lòng và lóe lên suy nghĩ sẽ bỏ bóng đá. Thủ môn của CLB TP.HCM I thổ lộ: "Khi đã tập ở CLB được khá lâu, khoảng mấy năm rồi thì tôi dính chấn thương. Bị đau nhức, tập và thi đấu không được nên rất buồn. Năm đó tôi khoảng 23 - 24 tuổi, bị viêm xương bánh chè 2 chân. Lúc đó, trong đầu tôi đã nghĩ là ngừng theo đuổi bóng đá đi học một nghề gì đó, để sau này trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các cô đã động viên rất nhiều, cho tôi thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Tôi đã vượt qua và tiếp tục. Bây giờ tôi vẫn còn bị, sau mỗi giải đấu phải đi tiêm chất nhờn vào chân để thi đấu".
Thủ môn Kim Thanh dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cô vẫn mạnh mẽ vượt qua mọi chông gai để tiếp tục hành trình chinh phục trái bóng tròn. Có lẽ, gia đình chính là động lực lớn nhất giúp cô gái quê Long An không từ bỏ và có ngày hôm nay. Kim Thanh nghẹn ngào: "Khi trở thành thủ môn chính thức của CLB TP.HCM I và đội tuyển nữ Việt Nam, tôi đi thi đấu nhiều và cũng nhận được sự quan tâm của quý mạnh thường quân, lãnh đạo. Tôi nhận được nhiều giải thưởng, nên có thể phụ giúp gia đình, xây lại căn nhà cho ba mẹ có chỗ ở rộng rãi, thoải mái hơn. Nhớ lại ngày xưa, gia đình tôi nghèo, nhà nhỏ lắm. Tôi về còn không có chỗ để nằm nghỉ ngơi. Trong nhà có chừa lại một lối để xe, tôi về chơi 2 tuần thì đều nằm ngủ ở đó".
"Hiện tại, tôi đã học xong đại học rồi. Tôi sẽ học thêm bằng huấn luyện. Khi giải nghệ, tôi có thể đi dạy hoặc làm HLV để truyền đạt lại các kinh nghiệm cho các em VĐV", thủ môn Kim Thanh tiết lộ về những dự định của cô trong tương lai.