Xoay quanh câu chuyện người trẻ kinh doanh theo trend,àingàychạytheomộttrendVòngđờingắnlợibấtcậphạchiều nay không có mưa bay PV Thanh Niênđã phỏng vấn tiến sĩ Lê Như Hiếu(ảnh), giảng viên của Tổ chức giáo dục đào tạo PTI (đơn vị đào tạo doanh nhân tại VN).
XU HƯỚNG TẤT YẾU, HỢP THỜI...
Tiến sĩ có thể "giải mã" vì sao kinh doanh theo trend lại có sức hút với người trẻ như vậy?
Không thể phủ nhận việc kinh doanh theo trend đã và đang tạo sức hút lớn với người trẻ suốt thời gian qua. Có thể thấy họ không hề bỏ lỡ những trend như: trà sữa cây xăng, trà mãng cầu, cà phê muối, bánh đồng xu phô mai, trà chanh giã tay… và có thể là trong tương lai, tiếp tục có những trend mới xuất hiện, trở thành xu hướng và người trẻ mê kinh doanh, muốn kiếm tiền sẽ không bỏ lỡ.
Sở dĩ họ chạy theo trend vì nhiều lý do. Có thể đơn cử như: kinh doanh theo trend rất thuận lợi, linh hoạt, không khó để tiếp cận đến những phạm vi khách hàng rất lớn. Trend, nghĩa là xu hướng đang được giới trẻ ưa chuộng, nên sẽ thu hút nhiều khách hàng. Qua đó tạo ra cơ hội kinh doanh tốt…
Ngoài ra, một lý do không kém phần quan trọng trong bối cảnh thực trạng trả mặt bằng đang hiển hiện. Đó là khi kinh doanh theo trend sẽ không phải chi ra số tiền quá lớn để đầu tư ban đầu.
Từ những điều đó, nhiều người trẻ nhận diện được cơ hội phù hợp để kinh doanh.
Tiến sĩ nhận định thế nào về trào lưu kinh doanh theo trend?
Theo nhìn nhận của tôi, việc người trẻ kinh doanh theo trend cũng là xu hướng tất yếu và được đánh giá là khá phù hợp với thời đại hiện nay.
Kinh doanh theo trào lưu đã nói lên tính nhạy bén, năng động và nắm bắt xu hướng kịp thời của những người trẻ. Họ biết tâm lý của người khác muốn gì, thích gì, cần gì, đang đổ xô tập trung vào trend nào… Để từ đó chớp thời cơ, nắm lấy cơ hội, tận dụng trào lưu để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt. Và kinh doanh theo trend cũng không phải ngoại lệ khi "lợi bất cập hại". Nếu không thật sự cẩn trọng, tỉnh táo thì có thể nhận phải những hậu quả rất lớn.
... NHƯNG BẤT ỔN ĐỊNH, KHÔNG BỀN VỮNG
Nói như ông, có nghĩa là kinh doanh theo trend sẽ có cả điểm tích cực lẫn sự rủi ro?
Hoàn toàn chính xác! Điểm tích cực mà xu hướng kinh doanh này mang lại dễ dàng thấy rõ. Đó là giúp người trẻ nhanh chóng có được lượng khách hàng lớn. Điều này không khó để chứng minh, khi những cửa hàng trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai (hay những trend trước đây) đều có khách hàng rất đông. Nhiều khách hàng phải đứng xếp hàng chờ đợi rất lâu để có thể mua được bánh đồng xu phô mai, ly trà chanh giã tay… Đó là những "cơn sốt" thật sự. Những món ấy xuất hiện "phủ sóng" khắp mạng xã hội, từ Facebook, Instagram cho đến TikTok…
Những điểm tích cực khác có thể kể là nhờ buôn bán đắt khách ngay khi "trình làng" sản phẩm, người trẻ kinh doanh nhanh chóng kiếm được khoản tiền không nhỏ so với số vốn chi ra ban đầu. Qua đó tích lũy được vốn để tiếp tục "bắt" những trend khác xuất hiện sau này nhằm tiếp tục kinh doanh.
Rồi kinh doanh theo trend cũng dễ giúp những người chủ trẻ tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Khách sẽ dễ dàng "ồ, à" là "nơi đó có bán trà chanh giã tay", "chỗ kia vừa mở bán bánh đồng xu phô mai", "muốn ăn loại bánh hot trend nhất hiện nay thì phải tìm đến quán ấy"…
Nhưng song hành cùng các điểm tích cực vừa kể là hàng loạt rủi ro. Đầu tiên là nguy cơ sụp đổ khi trend không còn, trào lưu kết thúc. Như hiện nay, để tìm lại những điểm bán trà sữa cây xăng rất khó, thậm chí không còn nữa. Những nơi đã từng chật kín người tìm đến mua trà sữa cây xăng giờ đã được thay tên đổi họ để bán… trend khác, hay đã trả mặt bằng. Nếu còn tồn tại, cũng đã hết "hot", không còn thu hút, cực kỳ đông khách như khi trend vừa xuất hiện rầm rộ.
Rủi ro tiếp theo, vì có quá nhiều thương hiệu cùng tên, "nhảy" vào để kinh doanh cùng một loại hình sản phẩm nên có tính cạnh tranh rất cao. Nếu chưa có được sự may mắn song hành thì không thu hút nhiều khách, dễ thất bại.
Cũng có những trường hợp, vì thấy trend mới xuất hiện, lập tức tìm cách đuổi theo để "bắt" trend. Nhưng khi nơi bán, sản phẩm vừa hoàn thiện thì trend đã nguội chứ không còn nóng, sốt. Khi trend đã bão hòa thì không còn hút khách hàng, và rơi vào cảnh ế ẩm. Thực tế, có những trường hợp dốc tiền để kinh doanh theo trend để rồi nếm trái đắng.
Quan trọng hơn cả, kinh doanh theo trend có tính bất ổn định. Loại hình kinh doanh kiểu ấy có vòng đời ngắn, thiếu sự định hướng bền vững cho dài hạn.
Qua những chia sẻ của ông, có thể thấy kinh doanh theo trend là không bền vững. Vậy liệu có thể biến kiểu kinh doanh theo trend trở nên bền vững hay không?
Để có thể biến kiểu "lướt ván mong giàu" này, tức kinh doanh theo trend không rơi vào cảnh sớm nở tối tàn, hay xa hơn là muốn trend có thể bền vững thì người trẻ cần phải trả lời và làm rõ nhiều vấn đề.
Đó là liệu thị trường có thực tế? Sản phẩm có đủ sức hấp dẫn được không? Nếu bắt tay vào kinh doanh liệu có cạnh tranh được với những thương hiệu khác? Cần cân đo đong đếm giữa lợi nhuận và mức rủi ro có thể đến…
Người trẻ mong được ông chia sẻ những kinh nghiệm để có thể hạn chế những rủi ro khi kinh doanh!
Tôi cho rằng khi tiến hành kinh doanh, dù là hướng đến mục tiêu bền vững hay theo trend đi chăng nữa, thì người trẻ cần phải xác định được khát khao, mục tiêu của bản thân là gì? Có phải là muốn kiếm tiền nhanh, mong tạo ra một số vốn trong thời gian ngắn?
Cũng cần biết chính xác bản thân nên "chơi" trên sân nào là phù hợp? Nghĩa là nhắm đến những phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu nào là hợp lý?
Tự nhìn nhận lại bản thân có gì để lao vào kinh doanh? Tức là sự khác biệt và độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, giá cả, tiềm lực về con người…
Hãy suy nghĩ đến chiến lược tiếp cận thị trường, cách để tháo gỡ sự cạnh tranh để có nhiều cơ hội thành công khi kinh doanh.
Ngoài ra, phải đầu tư kỹ lưỡng về kiến thức kinh doanh, hoạch định chi tiết về cách tổ chức và triển khai, kế hoạch cụ thể về vận hành nguồn lực, hệ thống, quy trình.
Cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện!
Tiến sĩ Lê Như Hiếu cũng là cố vấn học thuật chương trình Global MBA của Trường ĐH Kinh doanh và quản trị Geneva Thụy Sĩ tại VN, đồng thời giữ các chức vụ: CEO Công ty Tư vấn và đào tạo phát triển nguồn nhân lực LNH, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần ngọc trai Long Beach, cố vấn chiến lược cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước…